Nếu để mô tả về cả quá trình đi học của mình thì không khác gì 1 chuyến tàu lượn cả, mà lượn xuống nhiều hơn là đi lên. Nhưng mình cảm thấy may mắn vì những cú ngã đầu đời này đã giúp mình rút ra nhiều kinh nghiệm để những cú ngã khác về sau bớt đau hơn.
Mình có 4 năm cấp 2 khá vui vẻ với bạn bè nhưng ngoài những cuộc vui ấy thì cuộc sống của mình lúc đó không được đáng nhớ cho lắm. Từ lớp 7 điểm mình tụt một cách tệ hại, mình chả giỏi 1 cái gì và liên tục sống trong cảm giác tự ti và kém cỏi. Lớp 8 mình thấy mọi người đăng kí học ôn chuyên nên mình cũng đăng kí học Hóa nhưng đến giữa lớp 9 thì bỏ cuộc. Cuối cùng thì mình thi trượt cấp 3 Yên Hòa.
Trái ngược hẳn với thời gian cấp 2 thì mình có 3 năm cấp 3 khá kì diệu. Mình khám phá ra nhiều thứ hơn về bản thân, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa hơn, và có được những người bạn thân mà mình trân trọng. Hết cấp 3 thì mình đỗ FTU, và tham gia vào HRC (nơi giúp mình hình thành rất nhiều mindset quan trọng trong cuộc sống về sau này).
Vậy điểm khác nhau giữa 2 quãng thời gian này là gì nhỉ?
Đó là vì mình có những người “dẫn đường” tuyệt vời, nhất là thầy chủ nhiệm của mình. Thầy là một trong số ít những người thực sự để tâm đến tất cả học sinh trong lớp về mọi yếu tố, không chỉ là trong việc học để từ đó có cách giáo dục riêng cho từng người.
Điều quan trọng mình muốn kể với mọi người không phải là quá khứ của mình mà là cách thầy mình thay đổi từng học sinh một trong lớp. Ở lớp có một bạn tạm gọi là X, bạn hay đánh nhau, chửi bậy, làm sai nội quy, phát ngôn linh tinh trong giờ, ít nhất đấy là cái mọi người nhìn thấy. Thầy mình thì thấy một học sinh cô đơn từ bé vì bố mẹ bỏ nhau, tiếp xúc với văn hóa, bạn bè không tốt làm ảnh hưởng xấu đến nhận thức của học sinh đó.
Cái mọi người thấy là biểu hiện, cái thầy mình thấy là nguyên nhân.
Mọi người thấy một học sinh dốt vì không học được toán, anh, hóa, lí, địa. Thấy mình thấy một học sinh chưa được phát triển đúng tiềm năng vì X thích vẽ và vẽ rất đẹp. Một lần nữa cái mọi người thấy là biểu hiện, cái thầy mình thấy là nguyên nhân.
Khi nhìn vào bản thân hoặc người khác, chúng ta chỉ thường thấy những hành vi của họ (hay biểu hiện) rồi sau đó gán cho nó những cái tên khác nhau (siêng năng, lười biếng, dốt, kém cỏi, giỏi giang,..) để giải thích một cách tạm bợ những hành vi đó thay vì tìm hiểu nguyên nhân thực sự.
Tại sao bạn X lại đánh nhau, học kém toán, lí hóa? Không phải là vì bạn X “hư hỏng” hay “dốt nát” mà là vì bạn X “thiếu đi sự quan tâm, bao bọc của cha mẹ, tiếp xúc với văn hóa sai lệch” và “chưa được phát triển đúng tiềm năng của mình”.
Có hàng tá model problem-solving ngoài kia nhưng tất cả đều bắt nguồn với 1 câu hỏi tối quan trọng là “Why?”, vấn đề mà mình cần giải quyết là gì?, nguyên nhân cốt lõi của vấn đề đó? Khi các vấn đề đó liên quan đến con người thì chúng ta thường bỏ qua bước này và nhảy đến ngay kết luận, đa phần là vì bước này quá phức tạp và mất công.
“Quản lí hơn 30 con người đã mệt mỏi rồi thì tại sao mình lại phải quan tâm đến tâm sinh lí từng đứa một?” Nếu lúc đó thầy mình tự nhủ thế thì bạn X cũng như 29 học sinh khác trong đó có mình có lẽ sẽ chả bao giờ thoát được khỏi vũng lầy mà bọn mình đã lao vào trong suốt quãng thời gian trước đó.
“ Cứ làm theo mọi người là được rồi, bận tâm nhiều làm gì?” Nếu mình tự nhủ như thế thì có thể về sau mình sẽ làm một thứ mình không thích làm và sống 1 cuộc sống mình không phải là của mình.
Mọi thứ đều có lý do riêng của nó, chỉ là mình chưa biết và hiểu được nó mà thôi. Học tập từ thầy mình, mình luôn hỏi “Why?” vì 3 mục đích chính sau trong thời gian đầu của sự nghiệp:
Hỏi "Why?" để đồng cảm được với người khác và trở nên bao dung hơn.
Hỏi "Why?" để đưa bản thân đi đúng vào con đường dành cho mình, không phải dành cho người khác.
Hỏi "Why?" để đưa được những người mình quan tâm vào đúng con đường dành cho họ.
Ngoài 3 mục đích này, mình nghĩ có vô vàn thứ mà câu hỏi này có thể giúp ích cho mọi người. Mình vô cùng khuyến khích mọi người sử dụng câu hỏi này nhiều hơn, bắt đầu từ việc “Tại sao mình cần hỏi tại sao?” ha :D
#WOTN6
Bài viết thuộc thử thách viết 30 ngày của khóa học Writing On The Net.
Uầy, thầy của anh tuyệt thế ạ 😻